Thái độ khi tức giận
Khi một người tức giận, thường sẽ không thể ngụy trang được. Một số cảm xúc, suy nghĩ, thậm chí hành vi không phù hợp, cũng sẽ được bộc lộ ra cùng với sự tức giận của họ. Vì vậy, nếu muốn nhìn rõ một người, thì hãy nhìn vào thái độ của người đó khi họ đối mặt với sự tức giận.
Đối diện với lợi ích, nhìn ra nhân tính
Lợi ích là lửa thử vàng của con người, chỉ khi đối mặt với lợi ích, con người mới thể hiện rõ bản chất thật của mình. Lúc này thường là thời điểm tốt nhất để nhìn rõ một người.
Trong “Luận ngữ” nói: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”. Ý nghĩa của câu nói trên là: bậc quân tử coi trọng đạo nghĩa, còn kẻ tiểu nhân coi trọng lợi ích.
Muốn nhìn rõ một người, cần phải xem biểu hiện của người đó khi đối diện với lợi ích. Trước lợi ích, có thể khiến người thân trở thành kẻ thù, bạn bè trở thành người xa lạ, một chữ tiền có thể nhìn thấu lòng người, nhìn thấu bản chất con người, có thể khảo nghiệm tốt nhất phẩm hạnh của một người.
Nói có chừng mực
Lời nói và hành động nên đi đôi với nhau, đều cần phải thực hiện. Khoe khoang khoác lác không giải quyết được vấn đề thực sự.
Năng lực của một người ra sao phụ thuộc vào sự cố gắng, hành động của bản thân họ chứ không phải là lời nói. Năng lực tới đâu, nói tới đó, không nên thổi phồng.
Khi ăn, nhìn ra sự tu dưỡng
Liệu một người có xứng đáng kết thâm giao hay không, lúc cùng dùng bữa với họ, thì có thể thấy rõ phẩm cách của họ, nhìn rõ họ có đáng tin cậy hay không, và thấy rõ sự tu dưỡng của họ.
Người có tu dưỡng khi ăn, lời nói luôn ôn hòa, nhỏ nhẹ; ở nơi công cộng, luôn cân nhắc tới cảm nhận của người khác.
Ngược lại, những người không có tu dưỡng, nếu hơi không hài lòng với món ăn, sẽ quát mắng người phục vụ, hoặc lớn tiếng đòi tìm người quản lý giải thích.
Người sống trên đời, mỗi người đều có chỗ khó của mình. Một người thực có tu dưỡng khi dùng bữa, cũng sẽ cảm nhận được sự vất vả và khó khăn của người phục vụ, bao dung và thấu hiểu hơn.
Mặt khác, những người không có giáo dưỡng lại chú trọng đến lợi ích trước mắt của bản thân, họ luôn hay nổi nóng và lớn tiếng phàn nàn khi gặp khó khăn.
Dù đúng lý, vẫn có thể nhường người
Trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Công nhân chi ác, vô thái nghiêm, yếu tư kỳ kham thụ” (ý nghĩa: Khi nói về cái xấu của người ta, chớ nên quá hà khắc, cần suy xét khả năng chịu đựng của họ).
Một người đúng lý, không hùng hổ dọa người, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, biết nhượng bộ, sẽ càng khiến người ta bội phục. Đây gọi là mọi sự đều lưu lại một đường, sau này dễ ngày gặp nhau.
Không chằm chằm bắt lỗi người khác là một loại trí tuệ cao cấp trong đối nhân xử thế.
Hãy chừa cho người khác đường lui, nhưng cũng hãy để lại con đường khoan dung cho chính mình, khi đắc ý thì đừng quá hí hửng (không giữ thái độ đúng mực), cũng là định hình nên nhân phẩm của chính mình.
Theo Minh Chân Tướng
Nhận xét
Đăng nhận xét